Trong hai năm 2022–2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo lỗ hơn 48.000 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD, một con số gây choáng váng với bất kỳ nền kinh tế nào. Đáng nói, số lỗ này chưa bao gồm hàng chục nghìn tỷ đồng chênh lệch tỉ giá mà EVN còn “treo” lại từ các hợp đồng mua bán điện từ 2019 đến nay.
Dư luận đặt câu hỏi: một doanh nghiệp độc quyền từ phát – truyền – phân phối – bán lẻ điện, nắm trọn thị trường, được Nhà nước ưu ái về vốn, đất đai và cơ chế, mà vẫn thua lỗ triền miên thì lỗi nằm ở đâu, nếu không phải là cơ chế vận hành kém hiệu quả và thiếu minh bạch?
Lý do đưa ra có thuyết phục?
Các quan chức ngành điện cho rằng giá nhiên liệu đầu vào tăng, tỷ giá biến động, thời tiết El Nino khiến cơ cấu nguồn điện bất lợi… Tất cả đều là lý do khách quan. Nhưng xin hỏi: những yếu tố đó chỉ EVN mới chịu ảnh hưởng? Phải chăng EVN đang dùng lý do khách quan để che đậy sự yếu kém nội tại?
Trong khi đó, báo cáo chi phí điện của EVN vẫn chưa được công khai đầy đủ. Người dân vẫn không được biết giá thành thực tế để so sánh với giá bán lẻ, càng không thể giám sát cách EVN sử dụng hàng chục ngàn tỷ tiền vốn nhà nước.
Hệ quả không chỉ là tài chính
Theo cảnh báo của nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, với tình hình tài chính xấu đi như vậy, EVN sẽ khó vay vốn và khó thu hút đầu tư tư nhân, đồng nghĩa với nguy cơ thiếu điện, mất ổn định hạ tầng, kéo lùi tăng trưởng.
Tức là: EVN lỗ dân gánh! Bằng hóa đơn điện tăng giá. Bằng tình trạng cắt điện luân phiên. Bằng nguy cơ lỡ nhịp phát triển khi không có đủ điện cho sản xuất.
Đã đến lúc xé rào độc quyền
EVN đã vận hành như một “ông vua không ngai” trong ngành điện suốt hàng chục năm. Nhưng thời của các tập đoàn “độc quyền nhưng yếu kém” cần phải kết thúc.
- Tách bạch thị trường điện, để tư nhân có quyền tham gia phát, truyền và bán lẻ điện trên quy mô lớn.
- Công khai chi phí sản xuất mua bán điện của EVN để dân giám sát.
- Thành lập cơ quan điều tiết độc lập, không lệ thuộc vào Bộ Công thương hay EVN.
- Mở rộng năng lượng tái tạo, khuyến khích mô hình điện cộng đồng, giảm phụ thuộc vào hệ thống độc đạo của EVN.
EVN không thể vừa độc quyền vừa đòi lỗ mãi
Khi doanh nghiệp độc quyền mà vẫn thua lỗ, thì người trả giá chính là toàn xã hội. Nếu không cải tổ, không cạnh tranh hóa thị trường điện, Việt Nam sẽ tiếp tục gồng mình chống chịu một “quả tạ” mang tên EVN, vừa cồng kềnh, vừa tốn kém, vừa kém hiệu quả.
Thu Phương – Thoibao.de