Liệu có cảnh Nghệ Tĩnh “tương tàn”? Trần Hồng Hà và Hồ Đức Phớc va chạm quyền lợi?

Hội nghị Trung ương lần thứ 11, có 4 Phó Thủ tướng được cơ cấu vào Bộ Chính Trị. Đấy là ông Lê Thành Long cùng quê Thanh Hóa với Phạm Minh Chính, Hồ Đức Phớc-quê Nghệ An, Trần Hồng Hà-Quê Hà Tĩnh, và Bùi Thanh Sơn quê Hà Nội.

Thông thường, trong các phó Thủ tướng, thì Phó Thủ tướng Thường trực phải là Ủy viên Bộ Chính trị, còn các vị trí phó khác thì không bắt buộc. Ở nhiệm kỳ 2016-2021 đã từng có lúc trong Chính phủ có đến 3 Phó Thủ tướng là Ủy viên Bộ Chính trị. Trong đó có thể kể ra như, ông Trương Hòa Bình (Phó Thủ tướng Thường Trực), ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Bình Minh. 

Ngoại trừ trường hợp Phạm Minh Chính nhảy ngang từ Ban bí thư sang ghế Thủ tướng, hầu hết các trường hợp trước đây, ghế Thủ tướng khó mà thoát khỏi tay Phó Thủ tướng Thường trực. Ông Phan Văn Khải, ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Xuân Phúc đều lên chức Thủ tướng từ ghế Phó Thủ tướng thường trực.

Như vậy, việc giành lấy chiếc ghế Phó Thủ tướng thường trực rất quan trọng. Vì thế, việc Bộ Chính trị đồng ý cho 4 Phó Thủ tướng hiện nay sẽ vào Bộ Chính trị rất có thể sẽ gây ra cảnh tranh giành chức Phó Thủ tướng thường trực giữa 4 nhân vật này.

Ông Bùi Thanh Sơn khó mà rời khỏi Chính phủ nhận nhiệm vụ khác, bởi ông Sơn cũng như các Phó Thủ tướng đi lên từ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao trước đây đều được giữ lại để thay mặt thủ tướng điều hành cơ quan ngoại giao.

Đáng chú ý, trong 4 Phó Thủ tướng vào Bộ Chính trị lại có một người Nghệ An và một người Hà Tĩnh. Việc chọn nhân sự vào Bộ Chính trị như thế này rất có thể sẽ xảy ra cảnh Nghệ An chiến với người anh em Hà Tĩnh để giành lấy lợi thế trên chính trường.

Hội nghị Trung ương lần thứ 11 chỉ mới là cuộc chiến sơ bộ, các bên giành nhau vị trí trong Bộ Chính trị. Tuy nhiên, muốn giành chiếc ghế nào trong bộ máy nhà nước thì cần phải chiến tiếp, còn 8 tháng nữa để các bên đánh nhau.

Phạm Minh Chính gần như 90% sẽ tiếp tục ghế Thủ tướng, còn lại ghế Phó Thủ tướng thường trực là cuộc chiến giữa 4 người. 

Ủy viên Bộ Chính trị được phân bổ nhiều nhất về Ban bí thư, kế đến là Chính phủ. Ban bí thư thì lại thuộc quyền bổ nhiệm của Tô Lâm. Hiện nay Tô Lâm rất cần vị trí cho vị trí Phan Đình Trạc và Nguyễn Xuân Thắng. Tuy nhiên, 2 vị trí này cần người thân thiện với Tô Lâm hơn là đối đầu. Mà không khéo, Ủy viên Bộ Chính trị không thân thiện có thể bị Tô Lâm kéo về Ban bí thư “giam lỏng” thì tương lai chính trị cũng chẳng mấy sáng sủa.

Nghệ An và Hà Tĩnh có lịch sử quan hệ anh-em. Họ đã từng cùng chung 1 tỉnh tách ra và những năm gần đây, Nghệ An và Hà Tĩnh luôn là 2 địa phương có số Ủy viên đông nhất nhì trong Trung ương Đảng. Đáng nói là trong nhiều trường hợp, Nghệ An và Hà Tĩnh cũng cấu kết nhau hình thành hệ sinh thái quyền lực chung. Trường hợp Vương Đình Huệ và Đặng Quốc Khánh là ví dụ.

Tuy được gọi là “anh em” nhưng khi va chạm quyền lợi thì cũng sẽ trở thành đối thủ của nhau. Ắt cả Hồ Đức Phớc và Trần Hồng Hà đều không muốn đứng dưới quyền của Tô Lâm, bởi Tô Lâm không thích cả Nghệ An và Hà Tĩnh. Vì thế việc đối đầu nhau giành suất phó Thủ tướng Thường trực cho nhiệm kỳ tới rất khó tránh.

Trước đây ông Nguyễn Phú Trọng rất chuộng nhân sự gốc Nghệ An và Hà Tĩnh nhưng nay Tô Lâm lại khác. Trước đây, cả Nghệ An và Hà Tĩnh đều có mênh mông đất dụng võ trong Ban bí thư, nay thì hẹp hơn. Chủ yếu là giành nhau lợi thế bên Chính phủ.

Hồ Đức Phớc sẽ là Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất của nhóm Nghệ An cho nhiệm kỳ tới. Liệu ông Phớc có giành được lợi thế gì để cứu vớt sự sa sút của nhóm Nghệ An hay không? Hãy đợi xem.

Thái Hà -Thoibao.de