Đại hội 13 năm 2021, lúc ấy phe Nghệ An thắng tuyệt đối với 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên Trung ương Đảng và 1 Ủy viên dự khuyết. Trong khi đó người anh em Hà Tĩnh thì có kết quả “khiêm tốn” hơn với 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 10 Ủy viên Trung ương Đảng. Phe Hưng Yên khi đó đứng sau Nghệ An và Hà Tĩnh khá xa, với 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 6 Ủy viên Trung ương Đảng. Đáng chú ý là phe Hà Tĩnh vừa đông, vừa mạnh vừa có người được ông Nguyễn Phú Trọng chọn mặt gởi vàng, dự bị cho ghế Tổng bí thư.
Sau 4 năm đánh nhau, phe Nghệ An tổn thất nặng nhất, Vương Đình Huệ-người được xem là kế thừa ngai vàng bị đánh gục và sau đó là 2 nhân vật còn lại trong Bộ Chính trị là Phan Đình Trạc và Nguyễn Xuân Thắng như bị “giam lỏng”, quyền lực bị giới hạn rất nhiều. Trong khi đó, Hà Tĩnh cũng có người ngã ngựa, đấy là trường hợp Đặng Quốc Khánh-Ủy viên Trung ương Đảng. Sự tổn hao lực lượng của phe Hà Tĩnh xem ra nhẹ hơn phe Nghệ An.
Hội nghị Trung ương 11 kết thúc đã phát thảo một bản đồ quyền lực sơ bộ cho nhiệm kỳ sau. Đáng nói là Bộ Chính trị, số lượng ủy viên này ảnh hưởng rất lớn đến sức mạnh của từng phe. Hiện phe Hưng Yên đang có 3 thì dự kiến nhiệm kỳ sau vẫn giữ nguyên. Phe Hà Tĩnh đang có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, dự kiến nhiệm kỳ sau sẽ bổ sung thêm 1, đó là Trần Hồng Hà. Trong khi đó phe Nghệ An hiện đang có 2 Ủy viên Bộ Chính trị được dự kiến là sẽ cho “về vườn” ở nhiệm kỳ sau. Thông tin nội bộ tiết lộ, 2 Ủy viên Bộ Chính trị người Nghệ An hiện nay đã xin Tô Lâm “hạ thủ lưu tình”, cho ngồi đến hết nhiệm kỳ rồi tự rút.
Như vậy nếu không có gì thay đổi trong 8 tháng sắp tới, đến Đại hội 14 đầu năm sau, phe Nghệ An sẽ chỉ còn 1 Ủy viên Bộ Chính trị. Đó là Hồ Đức Phớc. Nghệ An bị loại 2 và thêm 1, xem như thất bại.
Riêng phe Hưng Yên thì vẫn sẽ dẫm chân tại chỗ, bởi 3 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay vẫn được giữ nguyên. Hoàng Xuân Chiến dù được Tô Lâm và các đồng hương Hưng Yên khác hỗ trợ nhưng vẫn chưa đủ lực có thể lật Nguyễn Tân Cương.
Vì sao Hưng Yên đang thế như chẻ tre lại bị khựng lại ở Hội nghị Trung ương lần thứ 11? Rất có thể, Tô Lâm sợ Tập Cận Bình can thiệp. Bởi Tô Lâm đã cướp ngôi phá vỡ trật tự do ông Nguyễn Phú Trọng tạo ra. Cho đến nay, Tập Cận Bình vẫn chưa tỏ thái độ chọn hay bỏ Tô Lâm, tuy nhiên, Tô Lâm vẫn “phòng cháy hơn chữa cháy”. Ông ta cho tổ chức Hội nghị Trung ương 11 sớm hơn 1 tháng, trước ngày Tập Cận Bình sang thăm, xem như Tô Lâm đặt trật tự chính trường Việt Nam vào thế đã rồi. Có muốn thay đổi cũng khó.
Ý đồ của Tô Lâm là muốn trụ vững trên kiềng 3 chân. Một trụ Bộ Công an, một trụ Ban bí thư và đang cố gắng thiết lập trụ quân đội thông qua Hoàng Xuân Chiến. Tuy nhiên, trong quân đội, phe Phan Văn Giang không chịu lùi bước, đáng nói là ông Giang lại giành lấy lợi thế rất lớn ở Hội nghị Trung ương 11 vừa qua. Qua đó chặn đứng tham vọng của Tô Lâm nhằm kiểm soát quân đội.
Có lẽ phe Tô Lâm quá mạnh, cũng cần có một thế lực nào đó cân bằng. Nếu để một mình một chợ, Tô Lâm có thể tự do áp dụng chính sách công an trị một cách toàn diện thì các đồng chí khốn khổ.
Hiện nay Phan Văn Giang đang vuốt ve Bắc Triều, có lẽ ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đang muốn đầu tư chính trị cho tương lai. Muốn Tập Cận Bình hậu thuẫn. Như thế khi ngồi ghế Chủ tịch nước nắm Bộ Quốc phòng thông qua Nguyễn Tân Cương thì sẽ được an toàn.
Hoàng Phúc -Thoibao.de