Ngày 20/2, BBC Tiếng Việt có bài: “Người Việt trong số 299 người nhập cư bị Mỹ trục xuất sang Panama”.
Theo đó, BBC cho biết, Chính quyền Trump đã cam kết trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Những người hiện đang được giữ ở khách sạn tại Panama City đã đến đây trên ba chuyến bay vào tuần trước, sau khi Tổng thống José Raúl Mulino đồng ý để Panama trở thành “quốc gia trung gian” cho những người bị trục xuất.
Tuy nhiên, trong số 299 người di cư không có giấy tờ – đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Uzbekistan, Iran, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Nepal, Pakistan, Afghanistan và Sri Lanka, chỉ có 171 người đồng ý trở về nước.
Những người còn lại hiện đối mặt với một tương lai bấp bênh, và chính quyền Panama sẽ quyết định bước tiếp theo.
BBC trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Panama đăng ngày 13/2, tổng cộng có 9 người Việt Nam trong số 299 người này.
Theo chính phủ, nhóm này sẽ được chuyển đến một trại tạm trú ở tỉnh Darién, nơi trước đây đã tiếp nhận tạm thời những người di cư băng qua rừng rậm trên đường đến Mỹ.
BBC cho biết thêm, về phía Việt Nam, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 13/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết thời gian qua, việc tiếp nhận công dân Việt Nam bị Mỹ trục xuất, được thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận nhận trở lại công dân đã được ký kết giữa 2 nước, và 2 bên đã có phối hợp chặt chẽ về vấn đề này.
Bà Hằng đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ về nhận trở lại công dân trên tinh thần các thỏa thuận đã ký.
Theo BBC, Bộ trưởng Bộ An ninh Panama, ông Frank Ábrego, cho biết những người di cư không được phép rời khỏi khách sạn, vì chính phủ của ông phải đảm bảo sự an toàn và bình yên cho người dân Panama.
Một đoạn video được đăng trên mạng xã hội vào cuối tuần trước cho thấy, một trong những người nhập cư chia sẻ bằng tiếng Ba Tư rằng, họ bị bắt sau khi vượt biên vào Mỹ, và được thông báo rằng, họ sẽ được đưa đến bang Texas nhưng cuối cùng lại bị đưa đến Panama.
Người phụ nữ trong video khẳng định rằng, tính mạng của họ sẽ gặp nguy hiểm nếu bị buộc quay trở lại Iran, do khả năng bị chính phủ trả thù.
Cô nói rằng mục tiêu của mình là xin tị nạn chính trị.
BBC cho hay, các chuyên gia nhận định rằng, đây là một điều rất khó đạt được nếu không có quyền tiếp cận luật sư – đặc biệt là khi chính phủ Panama tuyên bố sẽ không cung cấp quyền tiếp cận đó cho những người bị trục xuất.
BBC dẫn lời ông Ábrego cho biết vào thứ Ba 18/2 rằng, những người nhập cư sẽ tạm thời ở lại Panama dưới sự bảo vệ của chính quyền nước này.
“Những gì chúng tôi đã thống nhất với chính phủ Mỹ là họ sẽ ở đây, và sẽ nằm trong quyền giám sát tạm thời của chúng tôi để bảo vệ họ”, ông nói.
Ông cũng cảnh báo rằng những người nhập cư không muốn quay lại quê hương của họ sẽ phải chọn một quốc gia thứ ba.
Trong trường hợp đó, ông nói, Tổ chức Di cư Quốc tế và Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn sẽ chịu trách nhiệm hồi hương họ.
Ông Ábrego cũng cho biết rằng, những người nhập cư được bố trí ở khách sạn Decápolis vì nơi này có đủ khả năng tiếp nhận họ.
BBC dẫn lời một quan chức cấp cao khác cho biết “không có kế hoạch tiếp nhận thêm người nhập cư”, vì chưa có thỏa thuận nào về việc thực hiện thêm các chuyến bay tương tự.
Panama đã đồng ý trở thành “quốc gia trung gian” cho các cuộc trục xuất sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, trong bối cảnh căng thẳng do những lời đe dọa của ông Trump về việc “giành lại” chủ quyền của kênh đào Panama.
Vẫn theo BBC, tuần này, một chuyến bay chở người bị trục xuất từ Mỹ dự kiến sẽ đến Costa Rica, một quốc gia Trung Mỹ khác đã đồng ý với Washington để trở thành “quốc gia trung gian” cho người bị trục xuất.
Ý Nhi – thoibao.de