Ngày 20/2, VOA Tiếng Việt có bài bình luận: “Giới quan sát đánh giá được, mất từ dự án đường sắt Việt Nam -Trung Quốc vừa được duyệt”.
Theo đó, VOA cho biết, dự án tuyến đường sắt nối Trung Quốc với các thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam trị giá hơn 8,3 tỷ đôla, vừa được Quốc hội Việt Nam chấp thuận hôm 19/2, sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho cả Việt Nam và Trung Quốc, nhưng đồng thời sẽ khiến Hà Nội rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh nếu khoản vay quá lớn, giới phân tích đánh giá.
VOA dẫn lời ông Trần Thanh Cảnh, một người dân ở thủ đô, cũng là cựu chiến binh sau chiến tranh biên giới phía Bắc, cho biết, ông hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam thông qua dự án xây tuyến đường sắt nối với Trung Quốc.
“Dự án này đáng ra phải được làm từ lâu rồi, để thông thương miền Tây của Trung Quốc qua con đường ngắn nhất để đi ra biển ở cảng Hải Phòng. Nó đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả Việt Nam lẫn Trung Quốc”.
“Đây là một công trình hết sức cần thiết và phù hợp để phát triển kinh tế của cả hai nước” – ông Cảnh nhấn mạnh.
Theo VOA, cổng thông của Quốc hội đưa tin rằng, chiều dài tuyến chính của tuyến đường sắt này xấp xỉ 391 km; chiều dài các tuyến nhánh gần 28 km; đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt lớn này là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Bắc Kinh, và đã được thống nhất trong các cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào cuối tháng 8/2024, cũng như tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Hà Nội vào giữa tháng 10/2024.
VOA dẫn lời nhận định của ông Lê Minh Nguyên, nhà quan sát các mối quan hệ quốc tế Trung Quốc – Việt Nam ở bang California, Mỹ, cho rằng, “Việt Nam là nước được xem là cửa ngõ đi qua Đông Nam Á của Trung Quốc. Trong vấn này tôi thấy có cơ hội và rủi ro, mà rủi ro thì tương đối khá lớn”.
“Nợ vay từ Trung Quốc là một rủi ro lớn vì Trung Quốc trong chương trình Vành đai và Con đường (BRI) lâu nay là bẫy nợ. Trong quá khứ, các nhà thầu Trung Quốc làm đường sắt ở Hà Nội rất tốn kém, tiến độ thì kéo dài, và quá đắt…Với dự án này, nếu số vốn quá lớn sẽ là một rủi ro về bẫy nợ”, ông Nguyên đánh giá.
Mặc dù vậy, ông nhận định rằng Trung Quốc, với lợi thế là quốc gia có nền công nghệ giao thông đường sắt hiện đại, nếu đồng ý chuyển giao công nghệ cho Việt Nam thì đây sẽ là một ưu thế của dự án mà Hà Nội nên khai thác.
Trong khi đó, cũng dưới góc nhìn về an ninh quốc gia, ông Cảnh nhận định rằng, Việt Nam nên tham gia sáng kiến BRI của Trung Quốc ở một mức độ vừa phải.
“Nếu chúng ta hội nhập sâu sắc vào chiến lược BRI của Trung Quốc thì có thể rất nguy hiểm, nhưng chúng ta cũng không thể tách rời khỏi sự phát triển của Trung Quốc được vì 2 nước có rất nhiều mối quan hệ, trong đó có địa chính trị. Việt phát triển con đường sắt này cũng nằm trong chiến lược BRI. Nếu lãnh đạo của Việt Nam có đủ sự tỉnh táo và cân nhắc cần thiết, thì chúng ta nên tham gia vào sự phát triển của Trung Quốc. Tham gia ở một mức độ nào đó thì sẽ có lợi hơn là đứng hẳn bên ngoài”.
VOA cho biết, trước đây, trong phiên làm việc của Quốc hôm 10/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cho biết nguồn vốn được sử dụng cho dự án này là ngân sách nhà nước, nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài, bao gồm có khoản vay từ chính phủ Trung Quốc và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Minh không tiết lộ số tiền vay từ chính phủ Trung Quốc.
Xuân Hưng – thoibao.de