“Kỷ nguyên vươn mình” là câu khẩu hiệu của Tô Lâm. Ở chế độ này, khẩu hiệu chỉ đơn giản là tấm mặt nạ che đậy sự thật. Một câu khẩu hiệu được tung ra, phải mất khoảng nhiều năm dân mới nhận ra đó là những câu nói suông. Trong quá trình ấy, hàng núi tiền của dân được huy động, để vẽ nên các dự án vô bổ nhân danh khẩu hiệu.
Trước khi Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư, với vai trò là đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã để đất nước ngụp lặn dưới đáy của thế giới. Không biết bao nhiêu khẩu hiệu được tung ra, nhưng rồi, Việt Nam vẫn tụt hậu toàn diện. Không những tụt hậu về kinh tế mà đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng.
Những đất nước đã vươn mình thành công là những nước chuyển từ độc tài sang dân chủ. Ví dụ như Hàn Quốc và Đài Loan, hay một số nước Đông Âu thuộc khối Cộng Sản, họ vươn mình và tiến gần hơn với các nước dân chủ Phương Tây.
Điều dễ thấy, là khi đất nước vươn mình, xã hội bình yên hơn, nhà nước cần ít công an hơn. Ở các nước đã vươn mình thành công, ngân sách dành cho y tế và giáo dục nhiều hơn ngân sách dành cho ngành cảnh sát.
Ở các đất nước đã vươn mình, người dân được miễn phí giáo dục và y tế hoặc được nhà nước trợ giá y tế, giáo dục. Nói một cách đơn giản, để đất nước vươn mình thì nhà nước phải tăng phục vụ dân, và giảm kiểm soát, giám sát để nhân dân tự do hơn.
Ngân sách Trung ương dành cho Bộ Công an năm 2025 là 160 ngàn tỷ đồng, trong khi đó ngân sách cho Bộ Giáo dục chỉ 10 ngàn tỷ và cho Bộ Y tế chỉ 12 ngàn tỷ đồng. Riêng tiền tăng thêm cho ngành công an đã là 47 ngàn tỷ, gần gấp 5 lần ngân sách cả năm dành cho Bộ Giáo dục.
Chỉ cần nhìn vào nguồn ngân sách chi cho Bộ Công an cũng thấy rằng, ý đồ của Tô Lâm đang gia cố thêm sức mạnh cho Bộ này. Rất có thể, ngành công an sẽ phình to trong thời gian tới, mặc dù ông Tô Lâm vẫn hô hào “tinh giản”, và đang cho báo chí “la toáng lên”, khoe khoang những trường hợp lãnh đạo ngành công an xin nghỉ hưu trước tuổi. Mục đích là để mị dân rằng, Tổng Bí thư đang cho thực hiện triệt để chính sách.
Khẩu hiệu thì nói về “kỷ nguyên vươn mình” nhưng hành động thì ngược lại, Tô Lâm đang muốn biến nhà nước Cộng sản thành nhà nước Công an trị hà khắc hơn. Sự thật là toàn dân đang bị nhốt trong cái lồng kiên cố, cái lồng ấy mang tên là “Bộ Công an”.
Tô Lâm không những không cởi trói cho dân, mà ngược lại ông còn gia cố lồng nhốt dân cho thật vững chắc. Nằm trong lồng kiên cố, làm sao dân tộc này có thể vươn mình được?
Mỗi ông Tổng bí thư lên sẽ ra chính sách gây tiếng vang. Tô Lâm gắn với chính sách tinh giản. Tinh giản tiết kiệm đâu chưa thấy, chỉ thấy đời sống dân sinh ngày một ngột ngạt hơn. Ngân sách cho Bộ Công an bị lạm chi quá lớn. Nếu tinh giản bộ máy mà không giảm chi tiêu ngân sách, thì chính phủ lấy gì đầu tư để phát triển đất nước?
Theo Bộ trưởng Bộ tài Chính Nguyễn Văn Thắng, các nước chi dưới 50% nguồn thu ngân sách để trả lương, còn Việt Nam thì phải chi đến 70%, 30% còn lại để trả nợ. Vậy nên chẳng còn dư để đầu tư phát triển.
Năm nay Tô Lâm moi thêm 2 tỷ đô la từ túi dân để gia cố cho Bộ Công an, ắt hẳn năm sau lại moi thêm.
Có thể nói, ưu tiên hàng đầu của Tô Lâm là củng cố sức mạnh cho Bộ Công an, mà muốn tăng sức mạnh trước hết phải tăng tiền để tuyển thêm quân, mua thêm vũ khí, và ban phát bổng lộc cho thuộc cấp. Sẽ không có kỷ nguyên vươn mình nào khi mà Bộ Công an ngày một lộng quyền, dân ngày càng bị “siết cổ”.
Hoàng Phúc-Thoibao.de