CẤM XE XĂNG: GIẢI PHÁP MÔI TRƯỜNG HAY ÉP DÂN PHẢI TRẢ GIÁ?

Việc Hà Nội ra chỉ thị cấm xe máy và ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực nội đô từ 2026 đến 2030 với lý do bảo vệ môi trường đang tạo ra làn sóng phản đối dữ dội từ người dân. Không ai phủ nhận mục tiêu giảm ô nhiễm là đúng đắn. Nhưng cái sai nằm ở chỗ: giải pháp được triển khai một cách thiếu thực tế, thiếu lộ trình khả thi, và đẩy gánh nặng lên vai người dân những người không hề được lựa chọn, nhưng lại phải trả giá.

Trong khi nhiều người dân vẫn đang sử dụng xe xăng là phương tiện duy nhất để mưu sinh, sinh viên, công nhân thuê trọ chật chội không có chỗ sạc điện, thì việc cấm xe xăng chẳng khác nào tuyên bố thẳng: phải có tiền mua xe điện thì mới được đi lại trong thành phố. Đây không phải là chuyển đổi xanh, đây là cưỡng ép trắng trợn.

Hạ tầng sạc xe chưa hoàn thiện, giao thông công cộng chưa đồng bộ, xe điện còn đắt đỏ và thiếu an toàn tất cả những vấn đề đó chưa được giải quyết thì lệnh cấm chỉ khiến người dân thêm khốn đốn. Thử hỏi hàng triệu phương tiện xăng dầu người dân đã bỏ tiền mua sẽ đi đâu? Đem vứt? Hay bán sắt vụn?

Thay vì tìm giải pháp cân bằng giữa môi trường và đời sống, chính quyền lại chọn cách dễ nhất: CẤM. Điều này tạo cảm giác người dân không được bảo vệ, mà bị dồn ép. Trong khi chưa có hệ sinh thái xe điện đủ vững, đừng vội áp đặt chính sách kiểu “bắt buộc phải sạch”. Chuyển đổi xanh là cần thiết, nhưng nếu không đi cùng công bằng và hỗ trợ thực tế, nó chỉ là cái cớ để hợp thức hóa lợi ích nhóm và đẩy thiệt hại về phía nhân dân.

Thiện Nhân