Trong một quốc gia dân chủ, việc trao tặng huân chương là hành động ghi nhận những cống hiến xuất sắc, hiếm hoi, có tầm ảnh hưởng đặc biệt đến an ninh quốc gia, sự phát triển của đất nước hay quyền lợi nhân dân. Nhưng tại Việt Nam, khi con trai Tổng Bí thư Tô Lâm, đại tá Tô Long, được vinh danh nhận huân chương Quân công hạng Ba chỉ sau vài tuần ngồi vào ghế cục trưởng Cục An ninh Đối ngoại, câu hỏi đặt ra là: Huân chương này để ghi nhận công trạng hay để hợp thức hóa một cuộc “đặt ghế” đầy tính phe cánh?
Tại buổi lễ sơ kết công tác công an 6 tháng đầu năm 2025, vốn là một cuộc trình diễn quyền lực hơn là báo cáo hiệu quả thực chất, Chủ tịch nước Lương Cường đã đích thân trao hàng loạt huân chương cho các cán bộ ngành công an. Trong số đó có Bộ trưởng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Phạm Thế Tùng và đặc biệt là ông Tô Long, tân cục trưởng A01, người vừa mới “nhậm chức” cách đây chưa đầy một tháng.
Điều đáng nói là truyền thông nhà nước hoàn toàn không công bố thông tin bổ nhiệm ông Tô Long, cũng như không hề nêu rõ quá trình công tác, thành tích, hay bất kỳ bằng chứng cụ thể nào để làm rõ lý do trao huân chương. Những thông tin ít ỏi về ông chỉ xuất hiện lác đác qua các trang mạng xã hội, với các nguồn tin cho rằng ông là con trai cả của ông Tô Lâm với bà Nguyễn Thị Kim Loan vợ đầu, cùng quê Hưng Yên.
Không khó để nhận thấy mô hình quen thuộc: các nhân vật thân tín, cùng quê, cùng dòng máu với lãnh đạo cao cấp lần lượt nắm giữ những vị trí chủ chốt trong ngành công an bộ phận được xem là “xương sống” bảo vệ quyền lực đảng. Trường hợp ông Tô Long là ví dụ điển hình. Thăng chức đều đặn gần như mỗi năm, và nay được gắn huân chương dù chưa có thành tích cụ thể nào được công bố.
Phải chăng huân chương không còn là biểu tượng danh dự của cống hiến, mà trở thành dấu hiệu để “định vị quyền lực”, gửi thông điệp trong nội bộ: “Đây là người nhà của Tổng Bí thư”?
Phải chăng, trong một hệ thống mà lòng trung thành phe cánh quan trọng hơn năng lực, thì việc một người con của Tổng Bí thư liên tục lên chức, được vinh danh rầm rộ, lại không cần công khai lý lịch, cũng không cần giải trình thành tích là chuyện quá đỗi bình thường?
Và nếu đúng như vậy, thì công lý, công bằng, và năng lực thật sự còn chỗ đứng nào trong bộ máy mà nhân dân đang phải còng lưng nuôi?
Thu Phương – Thoibao.de