Thiên thời địa lợi đang chờ, Nguyễn Thanh Nghị sẽ thành ông trùm một cõi?

Ông Nguyễn Thanh Nghị được đưa về Sài Gòn làm Phó bí thư thường trực, một lộ trình khá giống với ông Võ Văn Thưởng cách đây 10 năm. Tuy nhiên, hoàn cảnh của Võ Văn Thưởng trước đây và hoàn cảnh của Nguyễn Thanh Nghị hiện nay khác rất xa.

Lúc ấy, Võ Văn Thưởng muốn ghế Bí thư Thành Ủy và được hậu thuẫn bởi Lê Thanh Hải sắp hết thời, nhưng người khác cũng nhắm đến chiếc ghế ấy là Đinh La Thăng. Ở Đại Hội 12, Đinh La Thăng đã thắng và Võ Văn Thưởng phải lủi thủi ra Trung ương nhận chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương như là giải an ủi và sau đó là phát triển nhờ cái bóng của ông Nguyễn Phú Trọng.

Ông Nguyễn Thanh Nghị giờ đây gần như không có đối thủ nặng ký tranh giành. Ông Nguyễn Văn Được- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố không được cơ cấu vào Bộ Chính trị, ông Nguyễn Văn Nên sẽ rút lui sau Đại hội 14. Ghế trống đang chờ Nguyễn Thanh Nghị. Đáng nói là đứng sau lưng Nguyễn Thanh Nghị là ông Nguyễn Tấn Dũng đầy quyền lực ngầm cùng với sự hỗ trợ của Tô Lâm. Vì thế, ghế Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh gần như chắc chắn nằm trong tay cậu Hai nhà Nguyễn Tấn Dũng.

Có ý kiến cho rằng, ông Tô Lâm chọn 2 tỉnh giàu của Miền Nam là Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu sáp nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh theo ý kiến của ông Ba Dũng. Việc sáp nhập như thế này sẽ giúp cho Nguyễn Thanh Nghị nắm một vùng kinh tế lớn nhất nước. Có sức ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam và từ đó tiếng nói của Nguyễn Thanh Nghị ở Trung ương cũng mạnh theo đồng thời bà Nguyễn Thanh Phượng cũng có vùng đất rộng lớn để xây dựng đế chế.

Tây Ninh là quê hương của ông Nguyễn Văn Nên và ông Trần Lưu Quang, Long An là quê hương của ông Trương Tấn Sang, Trương Hòa Bình và Nguyễn Văn Được. Tuy nhiên, chẳng ai trong số những nhân vật trên có thể can thiệp để Long An và Tây Ninh nhập vào TP HCM.

Đến Tháng 7 sẽ tiến hành sáp nhập, đến đầu năm sau là ông Nguyễn Thanh Nghị sẽ chính thức là người đứng đầu đơn vị hành chính khổng lồ này. Với diện tích rộng lớn và quy mô kinh tế bằng cả miền, thì nơi đây, gia tộc của Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở nên quyền lực hơn rất nhiều. Hiện nay tư gia của ông Nguyễn Tấn Dũng tại đường Nguyễn Đình Chiểu Quận 3. Nếu Nguyễn Thanh Nghị là bí thư thành ủy Thanh phố Hồ Chí Minh mới, thì địa chỉ nhà ông Nguyễn Tấn Dũng còn quyền lực hơn cả Ủy ban Nhân dân thành phố to lớn nằm tại ngả 3 Nguyễn Huệ-Lê Thánh Tôn.

Trong các “thái tử đảng” hiện nay, không ai được thiết kế lộ trình một cách chỉn chu như Nguyễn Thanh Nghị. Để có được kết quả như hiện nay, ngoài quyền lực và mối quan hệ khủng của ông Nguyễn Tấn Dũng thì quan trọng nhất vẫn là cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng.

Cái chết của ông Trọng giúp ông Ba Dũng mạnh dạng bước ra ánh sáng. Và chính sức khỏe ông Trọng suy kiệt mới giúp Tô Lâm tạo phản nắm quyền và nhờ đó những tham vọng to lớn của ông Nguyễn Tấn Dũng mới được chắp cánh. Nếu Tô Lâm không thành công, thì ắt, Nguyễn Thanh Nghị giờ cũng rất vất vả.

Trong 6 nhân vật dự  tính sẽ vào Bộ Chính trị vào đầu năm 2026, chỉ có Nguyễn Thanh Nghị là người Miền Nam. Điều đó cho thấy, các thế lực khác ở Miền Nam đang thất thế. Thế lực Lê Thanh Hải, Trương Tấn Sang một thời nổi danh giờ đây chẳng còn ảnh hưởng gì. Riêng ông Trương Tấn Sang có kết nối với nhóm Hà Tĩnh nhưng vẫn không giúp ích gì cho đàn em. 

Nguyễn Thanh Nghị vào Bộ Chính trị, nắm vùng kinh tế mạnh nhất Việt Nam, là thế lực Miền Nam mạnh nhất (nếu Nguyễn Thanh Nghị vào Bộ Chính trị, còn mạnh hơn cả Trần Thanh Mẫn). Điều này hứa hẹn tương lai sáng lạn cho Nguyễn Minh Triết-em trai ông Nghị. 

Một thế lực hùng cứ một vùng kinh tế rộng lớn, bắt tay với thế lực mạnh nhất Trung ương Đảng. Xem ra, Nguyễn Thanh Nghị đang gặp thời lớn.

Thái Hà -Thoibao.de