Bị Trump đánh, bị EU siết cổ, Tổng bí thư Tô Lâm chỉ có thể chọn Tập!

Việt Nam phụ thuộc chính trị với Trung Quốc là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, về kinh tế thì Việt Nam vừa phụ thuộc Trung Quốc vừa phụ thuộc Mỹ và EU. Trong đó, Mỹ và EU là 2 thị trường có thể giúp Việt Nam xuất được hàng có chất lượng ,nhờ đó, Việt Nam thu về nguồn ngoại tệ lớn để bù vào thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường nguyên liệu quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay tất tần tật, từ thượng vàng đến hạ cám, doanh nghiệp Việt Nam đều có ít nhiều cần nhập hàng Trung Quốc về sản xuất đồng thời thị trường Trung Quốc cũng là nơi mà các doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng. Tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc còn thấp nên họ dễ đón nhận hàng tiêu chuẩn thấp từ Việt Nam.

Với mức thuế 46%, xem như thị trường Mỹ đang bóp nghẹt hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam. Đáng nói là Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và giữa Mỹ và Việt Nam cũng chưa có hiệp định thương mại tự do nên doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ thiệt hại rất lớn trong vấn đề tranh chấp thương mại với phía đối tác.

Với thị trường EU, Việt Nam có hiệp định tự do thương mại EVFTA, tuy nhiên, EU cũng như Mỹ, vẫn chưa chịu công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Điều này dẫn tới doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU cũng chịu thiệt không ít. Đặc biệt là trong vấn đề kiện chống bán phá giá.

Nền kinh thế phi thị trường thường được hiểu là nền kinh tế bị thao túng quá mức của nhà nước. Điều này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam bị quy chụp là “cạnh tranh không lành mạnh” với các đối thủ Phương Tây. Đây là lý do khiến cho các thị trường lớn bắt chẹt các doanh nghiệp Việt Nam nhiều năm qua. 

Thị trường Mỹ trở nên hẹp hơn là một đòn mạnh vào kinh tế Việt Nam, thì mới đây, EU áp thuế chống bán phá giá tạm thời 12,1% với một số loại thép cán nóng từ Việt Nam, trừ sản phẩm của Hòa Phát Dung Quất. Đây như là một lời cảnh cáo, họ có thể áp thuế chống bán phá giá lên nhiều mặt hàng khác nếu họ thấy cần thiết. Xem ra cánh cửa vào EU giờ cũng không dễ dàng nữa mặc dù Việt Nam có EVFTA.

Thay vì thực hiện nghiêm túc những yêu cầu để được các nền kinh tế lớn công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì các đời lãnh đạo của Chính quyền Cộng Sản lại năn nỉ họ công nhận mà không hề có động thái nào thiện chí. Đó là lý do đã rất nhiều năm rồi mà Mỹ và EU không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.

Như vậy việc làm ăn với Mỹ và EU vốn mong manh nay càng mong manh hơn. Để cứu những doanh nghiệp xuất đi Mỹ và EU thì Tô Lâm chỉ có thể nhượng bộ Tập Cận Bình để đổi lấy cam kết Trung Quốc sẽ chấp nhận nhập hàng Việt Nam xuất Mỹ và EU. 

Thời gian gần đây Chính quyền Cộng Sản tiến hành mở toang cho Trung Quốc thọc tay vào Việt Nam. Từ việc dự định đưa máy bay chưa được kiểm chứng chất lượng hiệu COMAC của Trung Quốc vào khai thác, việc vay nợ Trung Quốc cho dự án đường sắt, và đáng chú ý hơn cả là việc làm sống lại 3 dự án Đặc khu mở đường cho Trung Quốc sở hữu đến một thế kỷ vv… đấy là những bước lùi cụ thể có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, bao nhiêu đấy chưa chắc gì thỏa được lòng tham của ông Tập Cận Bình, mà rất có thể Tô Lâm lại bí mật lùi bước trước ông Tập trong chuyến thăm vừa qua.

Tô Lâm đã khéo léo mị dân bằng lần thắp hương tại nghĩa trang Vị Xuyên. Tuy nhiên, guồng máy phụ thuộc Trung Quốc từ Hội nghị Thành Đô đến nay vẫn quay và Tô Lâm không có con đường nào để thoát trung, ngoại từ ông làm cuộc cách mạng dẹp luôn Đảng Cộng Sản. 

Với tình thế bị Mỹ và EU đẩy ra xa, Tô Lâm không còn giữ thăng bằng trên sợi dây ngoại giao nữa mà phải chọn nghiêng về Tập Cận Bình. Tô Lâm không có phương án nào khác.

Hoàng Phúc -Thoibao