Trung ương Đảng bị siết, Ủy viên bị đánh, Tổng bí thư từng bước thâu tóm!

Như thông lệ, Trung ương Đảng có 200 người, trong đó khoảng 18 người là Ủy viên Bộ Chính trị và 20 người là Ủy viên dự khuyết. Ủy viên Bộ Chính trị đã có mâm cỗ lớn trên thượng tầng, còn lại Ủy viên Trung ương Đảng thì rất đông. Ủy viên Trung ương Đảng phân bố nhiều ở cấp bộ và cấp tỉnh. Đứng đầu bộ đa phần là Ủy viên Trung ương Đảng. Riêng Bộ Công an, cấp Thứ trưởng cũng có đến 2 người là Ủy viên Trung ương Đảng, còn ở Bộ Quốc phòng số Ủy viên Trung ương Đảng rất đông, khoảng 20 người.

Ở cấp tỉnh, Bí thư tỉnh là Ủy viên Trung ương Đảng, riêng Thành phố Hà Nội và Sài Gòn thì Phó Bí thư Thành ủy cũng là Ủy viên Trung ương Đảng. 

Chính sách tinh giản của Tô Lâm đang thực hiện ở mọi cấp và ban ngành. Ở Chính phủ đã thực hiện việc sáp nhập các bộ với nhau khiến cho số Bộ trưởng dồn về ghế Phó Thủ tướng đông hơn. Ở cấp tỉnh, việc sáp nhập các tỉnh với nhau khiến cho số Bí thư tỉnh dư dôi rất nhiều. Ngoài ra trong Bộ Quốc phòng cũng đang diễn ra việc tinh giản.

Với vai trò là Trưởng tiểu ban nhân sự đại hội, ông Tô Lâm ắt phải xử lý “đống rác” do mình tạo ra. Như vậy, Trung ương Đảng cần phải tinh gọn thì mới đồng bộ được chính sách tinh giản của ông. Nếu không làm việc này thì sẽ khiến cho rất nhiều cơ quan sẽ phình ra một cách không cầ thiết.

Khả năng cao là ông Tô Lâm sẽ cho thu gọn lại số lượng Ủy viên Trung ương Đảng. Trong tay ông Tô Lâm hoàn toàn có đủ công cụ và lý do để làm điều đó. Vả lại, khi tinh giảm Trung ương Đảng, ông Tô Lâm dễ khiểm soát cơ quan này hơn. Bởi công tác thu thập tài liệu để kết thành hồ sơ đen cũng ít hơn và từ đó dễ kiểm soát Trung ương Đảng hơn.

Tại hội nghị Trung ương 11, ông Nguyễn Văn Hiếu bị cho thôi giữ chức ủy viên dự khuyết. Ông hiếu trở thành người thứ 30 bị loại khỏi Ban Chấp hành Trung ương khóa 13. Điều đó cho thấy, Trung ương Đảng đang bị gọt dần để tiến tới bộ máy này có thể gọn hơn nữa. Với đà tinh gọn như thế này, rất có thể Trung ương Đảng chỉ cần khoảng 150 hay ít hơn là vừa. Ít dễ quản lý.

Trung ương Đảng là nơi khó kiểm soát nhất. Còn nhớ tại Hội nghị Trung ương 6 của Trung ương Đảng khóa 11, ông Nguyễn Phú Trọng đưa vấn đề kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng ra cho Trung ương Đảng quyết nhưng bị Trung ương Đảng bác bỏ. Ông Trọng tức đến nỗi muốn nghẹn khi đọc diễn văn bế mạc. Đến Hội nghị Trung ương 7, ông Nguyễn Phú Trọng giới thiệu 2 đồ đệ thân tín của mình là Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị nhưng Trung ương Đảng không chọn, thay vào đó Trung ương Đảng lại bỏ phiếu cho Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân, hai nhân vật được Thủ tướng đề cử.

Nguyên nhân mất kiểm soát Trung ương Đảng được cho là bởi trong tay ông Nguyễn Tấn Dũng thời đó nắm hầu hết các Bộ trưởng và cách bí thư tỉnh nên thắng thế trước Nguyễn Phú Trọng. Giờ đây với chính sách tinh giản, Tô Lâm đã bóp số lượng Bộ trưởng và số lượng bí thư tỉnh cũng là cách để phòng khi mất kiểm soát Trung ương Đảng.

Lò của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn trong tay, rất có thể Tô Lâm sẽ tiếp tục cắt tỉa thêm nhiều Ủy viên Trung ương Đảng nữa trong thời gian sắp tới. Đây là công cụ răn đe rất hữu hiệu.

Nếu Trần Lưu Quang không vào Bộ Chính trị trước đại hội thì điều ấy cũng không thể cản được bước tiến của Tô Lâm. Nếu không bứng được Phạm Minh Chính ở Đại hội 14 thì ông cũng tìm cách sau đại hội, khi nào lực lượng đủ đông và đến thời điểm chín muồi.

Thế Tô Lâm vốn đã mạnh nay lại còn đang từng bước củng cố, không biết rồi có thế lực nào còn đủ sức cân bằng với phe Hưng Yên hay không? 

Trần Chương -Thoibao.de